Nội thất căn hộ phong cách Minimalism
Minimalism hiện đang là một trong những phong cách nội thất được ưa chuộng nhất trong thời gian vừa qua. Từ những khu nghỉ dưỡng sang trọng, những khách sạn 5 sao cho đến những căn biệt thự hay những dự án căn hộ mới xây đều lựa chọn phong cách Minimalism trong thiết kế nội thất. Vậy Minimalism có gì hấp dẫn giới kiến trúc trong những năm gần đây, hãy cùng Vật Liệu Việt điểm qua vài nét về phong cách thiết kế này.
MỤC LỤC
Phong cách Minimalism là gì ?
Được khởi xướng từ những thập niên đầu thế kỷ trước bởi kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies Van Der Rohe (1886 – 1969). Đúng như tên gọi của nó, phong cách Minimalism hướng đến sự tối giản, tinh tế. Bố cục tổng thể không gian gọn gàng, thanh thoát. Thiết kế nội thất được đơn giản hóa đến mức tối đa, tận dụng những đường nét cơ bản nhất trong hình học. Mọi đồ vật được sử dụng ngoài công năng chính còn đóng góp một vai trò nhất định trong việc tạo nên cảm quan thị giác cho công trình, không có bất kỳ sự thừa thải vô nghĩa nào, tuân theo tiêu chí “Less is More” (tạm diễn giải: số lượng ít nhưng phát huy được nhiều công dụng)
Thế Giới càng phát triển, yêu cầu về không gian sống cũng dần được thay đổi, hướng đến sự tiện dụng, thực tế. Chính vì vậy, ngày càng nhiều những công trình lựa chọn Minimalism là phong cách thiết kế chủ đạo. Không có một khuông khổ nhất định trong thiết kế nội thất theo phong cách này. Tuy nhiên những công trình áp dụng phong cách Minimalism đều tuân theo một nguyên tắc chung, đó chính là hạn chế đến mức tối đa thể hiện quá nhiều chi tiết trong không gian tổng thể.
Đặc điểm của phong cách Minimalism
Trái với các phong cách khác khi tận dụng đồ vật, họa tiết, màu sắc… để thể hiện nét đặc trưng của mình, Minimalism hạn chế tối đa việc phô diễn đường nét, loại bỏ các chi tiết dư thừa không cần thiết nhằm để lộ ra kết cấu nguyên bản của công trình, làm bật lên những khoảng trống hoàn hảo có chủ đích. Bên cạnh đó, việc kết hợp ánh sáng tự nhiên hay những ánh đèn dịu nhẹ tạo hiệu ứng bóng đổ trải dài trên những mặt phẳng lớn cũng góp phần làm tăng hiệu ứng thị giác.
Về màu sắc, phong cách Minimalism thường không sử dụng quá 3 màu trong cùng một không gian. Các màu sắc được chọn lựa thường là những gam màu trung tính đơn sắc như: trắng, xám, kem, đen, nâu, hay những màu pastel nhằm tạo cảm giác sạch sẽ, gọn gàng, thanh thoát. Nếu như những đồ vật thiết yếu sử dụng tone màu đậm thì các mảng tường sẽ là tone màu nhạt để làm nền và ngược lại. Tuy nhiên phương án “nền nhạt – vật đậm” vẫn thường được sử dụng và luôn là giải pháp an toàn đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian nội thất phong cách Minimalism.
Vật liệu thường được sử dụng trong phong cách Minimalist
Phong cách Minimalism hướng đến sự tiện dụng, thực tế. Chính vì vậy, vật liệu được sử dụng trong thiết kế nội thất phong cách Minimalism thường là những gì cơ bản nhất trong xây dựng và gần gũi với đời sống như: sơn, bê-tông, gỗ, da, nhựa, kính… Tất cả các tính chất vật liệu đi kèm đều chỉ cần đạt mức tiêu chuẩn là có thể đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và thẩm mỹ của công trình. Để hiểu rõ hơn về các yếu tố, chúng ta cần đi chi tiết vào từng loại vật liệu dưới đây:
- Sơn: Là vật liệu phủ hoàn thiện. Màu sắc thường là những gam màu trung tính đơn sắc như: trắng, xám, kem, đen, nâu, hay những màu pastel. Bề mặt sơn sau khi khô thường mờ nhám, hạn chế tối đa độ bóng láng.
- Bê-tông: Là vật liệu nền trong quá trình hoàn thiện. Trong một số trường hợp, màu tự nhiên của bê-tông được tận dụng làm màu nền của công trình giúp làm nổi bật cá tính, tăng sự độc đáo cho không gian nội thất.
- Gỗ: Dùng làm điểm nhấn cho không gian nội thất, yêu cầu vân gỗ nhẹ nhàng, đều màu. Các loại gỗ thường được sử dụng như: gỗ thông, gỗ trắc, gỗ sưa, gỗ hương, gỗ mun, hay các loại gỗ công nghiệp đều có thể đáp ứng tốt các tiêu chí này.
- Da: Thường được sử dụng để bọc đệm, ghế, yêu cầu vân da nhẹ nhàng, đã được xử lý kỹ. Các loại da thường được sử dụng như: da bò, da trâu, da cừu, da dê, da hươu hay các loại da công nghiệp. Ngoài ra có thể thay thế bằng các loại vải phù hợp.
- Nhựa: Thường được sử dụng để thay thế cho gỗ trong các hạng mục: sàn nhà, bàn ghế, kệ tủ, hoặc những món đồ cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.
- Kính: Là vật liệu bổ trợ cho không gian tổng thể. Màu sắc thường là những gam màu trung tính đơn sắc như: trắng, xám, kem, đen, nâu, bề mặt có thể trong suốt hoặc mờ nhưng không được có quá nhiều họa tiết.
Đối tượng phù hợp với phong cách Minimalism
Phong cách Minimalism hướng đến sự tối giản, tinh tế, phù hợp cho cuộc sống hiện đại, năng động. Không gian nội thất theo phong cách Minimalism có thể dễ dàng đáp ứng được đa số mọi đối tượng. Từ nam giới đến nữ giới, từ thanh niên đến trung niên, từ nhân viên văn phòng đến giới doanh nhân trí thức đều có thể phù hợp với phong cách này. Nhìn chung, những người lựa chọn phong cách nội thất Minimalism thường yêu thích sự gọn gàng, sạch sẽ, không đòi hỏi khắc khe về sự hào nhoáng nhưng phải đảm bảo sự tiện nghi, ngăn nắp.
Để giữ cho không gian nội thất Minimalism luôn đảm bảo đúng với tiêu chí vốn có của nó, chủ nhân ngôi nhà phải thường xuyên lau chùi vệ sinh để giữ cho căn phòng luôn sạch sẽ, sáng sủa. Khi làm việc hay sử dụng đồ vật phải dọn dẹp gọn gàng ngăn nắp ngay sau đó, tránh bày bừa lộn xộn sẽ làm phá vỡ đi không gian tổng thể vốn có của thiết kế phong cách Minimalism. Đặc biệt, tránh để những trường hợp này xảy ra thường xuyên và lâu ngày sẽ dẫn đến thói quen xấu gây ảnh hướng đến không gian sống của gia đình bạn.